Cuối tháng 10, đầu tháng 11, hoa tam giác mạch tại các tỉnh vùng núi phía Bắc lại nở rộ. Người dân trên khắp cả nước, đặc biệt là các bạn trẻ, lại tíu tít rủ nhau đi ‘phượt’ và cùng ghi lại những bức ảnh đẹp làm kỷ niệm với loài hoa nơi núi rừng đặc biệt này.
Tam giác mạch là loài hoa đặc trưng của các tỉnh miền núi phía Bắc với vẻ đẹp dung dị nhưng lại ẩn chứa sự mạnh mẽ, hoang dại. Hoa thường nở rộ nhất vào dịp cuối thu, khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11 hàng năm. Những nơi nổi tiếng với loài hoa tam giác mạch phải kể đến Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng…
Ở Lào Cai, hoa mọc nhiều ở các huyện phía bắc như Simacai, Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương. Ở Cao Bằng, Trà Lĩnh – Trùng Khánh là hai điểm trồng nhiều tam giác mạch. Nhưng Hà Giang mới là nơi hoa mọc nhiều và đẹp nhất.
Tương truyền, xưa kia, người dân miền núi phía Bắc sống chủ yếu bằng hạt ngô, hạt lúa. Một năm nọ, lúa, ngô trong nhà đã cạn mà vụ mùa vẫn chưa tới, cả bản làng u ám. Người ta đi tìm khắp ngóc ngách mà không thấy cái ăn. Bỗng nhiên, người ta thấy thoang thoảng mùi hương lạ trong gió.
Dân bản lần theo khe núi thì thấy rừng hoa li ti, với những chiếc lá hình tam giác ẩn kín dưới hoa. Người dân đem hạt của cây này về ăn thay ngô, gạo và gọi nó là tam giác mạch.
Hoa tam giác mạch có vòng đời khoảng một tháng, mới đầu hoa nở có màu trắng, sau chuyển sang phớt hồng, ánh tím và cuối cùng là đỏ sậm.
Hạt tam giác mạch được dùng làm bánh, nấu rượu, ngày nay chủ yếu tam giác mạch được bà con miền núi dùng để chăn nuôi gia súc, ngoài ra còn dùng làm vị thuốc trong đông y.